Hãy tưởng tượng, bây giờ bạn muốn đi đâu đó. Việc đầu tiên là bạn phải biết mình đang ở đâu, muốn đi đâu, và sau đó là chọn phương tiện để thực hiện việc di chuyển.
Việc học tiếng Anh nó cũng như vậy. Bạn phải biết hiện tại xuất phát điểm của bạn như nào, và bạn muốn đi về đâu.
Biết được xuất phát điểm hiện tại giúp bạn lựa chọn đúng nguồn tài liệu học phù hợp với trình độ. Nếu chọn tài liệu khó quá, bạn sẽ nhanh chóng nản chí và rồi bỏ cuộc, vì khi đọc bạn không hiểu, nghe cũng không hiểu, và đương nhiên là bạn cũng không thể nói ra, viết ra được. Vì vậy chọn tài liệu phù hợp với trình độ, xuất phát điểm hiện tại là cực kỳ quan trọng.
Biết được đích đến giúp bạn không bị lạc đường, không đi lang thang, không đứng núi này trông núi nọ trên hành trình chinh phục tiếng Anh của mình.
Đã bao giờ trong khi bạn đang học một tài liệu hoặc phương pháp được ai đó giới thiệu là rất hay, bạn hứng khởi tải về học. Rồi sau khi học thử được 1 tuần, trong lúc lướt Facebook bạn thấy một bài chia sẻ của một người bạn cũ của bạn giới thiệu về một bộ tài liệu và phương pháp học khác, cũng bảo rất hay, bạn lại thử. 1 tháng sau trong lúc bạn xem video trên youtube lại được gợi ý về một bộ tài liệu khác của một ông anh/ bà chị nào đó được coi là cao thủ tiếng Anh giới thiệu, rồi bạn lại thử. Và bạn biết không, trong khi bạn cứ thử từ phương pháp này đến phương pháp khác, tài liệu này đến tài liệu khác, trang web này sang trang web khác, thì thực chất bạn đang không học được gì nhiều, vì mỗi thứ bạn chỉ học một ít, và thường là học được một bài đầu thôi, nó không đưa bạn đến đâu cả. Thực chất để có kết quả từ một bộ tài liệu và phương pháp, bạn phải “học sâu” (deep learning), ít nhất bạn phải học nó được vài tháng thì mới bắt đầu thấy kết quả (vài tháng ở đây có thể là 2 hoặc 3 hoặc 6 tháng đối với những bạn chưa mới bắt đầu với tiếng Anh). Và đây là một trong những triệu chứng của việc bạn không biết đích đến của mình đang ở đâu. Suốt ngày chỉ lo đi tải tài liệu và tìm phương pháp.
⇒ Bài học: Hãy biết mình đang ở đâu, và mình muốn đi về đâu trên hành trình học tiếng Anh bạn nhé.
Bây giờ hãy tưởng tượng, bạn đang đứng ở điểm A, và bạn muốn đi tới điểm B.
Hỏi bạn có một hay hai con đường để đi từ A đến B?
Câu trả lời không phải một, cũng không phải hai, mà là vô số.
Tương tự như vậy, khi bạn đã xác định được xuất phát điểm và đích đến của mình khi học tiếng Anh rồi, thì sẽ không chỉ có duy nhất một, hoặc hai con đường giúp bạn về được cái đích bạn muốn đến, mà có rất nhiều con đường, rất nhiều cách. Tức có nhiều phương pháp và tài liệu mà bạn có thể chọn để học. Miễn sao nó phù hợp với bạn, không có cái nào tốt nhất cho tất cả mọi người, chỉ có tính phù hợp. Vì vậy nếu bạn nghe ai đó nói là phương pháp hoặc tài liệu của họ là tốt nhất, thì đó chỉ là quảng cáo để bạn mua hàng hoặc khóa học của họ mà thôi.
Nhưng, dù học phương pháp hay tài liệu nào, bạn cũng sẽ phải tuân theo một quy luật, mà mình gọi là quy luật của việc học ngôn ngữ sẽ được trình bày ở phần tiếp theo của cuốn sách này. Nó giúp bạn định hình được bạn sẽ cần phải học cái gì và học như thế nào để chinh phục được tiếng Anh, dù bạn chọn học tài liệu nào đi chăng nữa.
Vậy khi bạn đã biết rằng để đi từ điểm A đến điểm B sẽ có nhiều con đường, thì thời gian đi sẽ phụ thuộc vào con đường bạn đi, và vận tốc bạn đi.
Chắc hẳn bạn còn nhớ công thức tính quãng đường trong toán học chứ?
S = v.t ⇒ t = S/v
Trong việc học tiếng Anh, thời gian học của bạn sẽ phụ thuộc vào con đường bạn chọn (phương pháp và tài liệu), và vận tốc bạn đi (thời gian và tâm trí bạn dành cho tiếng Anh).
Hoàn hảo nhất là bạn chọn được con đường ngắn nhất, tức phương pháp học và tài liệu học phù hợp nhất với bạn; và vận tốc tối đa, tức bạn dành được nhiều thời gian và tâm trí nhất cho tiếng Anh, thì bạn sẽ rút ngắn được thời gian học của bạn đến khi đạt được mục đích tới mức tối thiểu.
Ở những phần sau của cuốn sách này, mình sẽ chia sẻ với bạn cách làm thế nào để chọn được phương pháp và tài liệu phù hợp nhất với bạn. Làm thế nào để dành được nhiều thời gian và tâm trí nhất có thể cho tiếng Anh để đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất nhé.
⇒ Để đạt được mục tiêu tiếng Anh nhanh nhất, điều bạn cần làm là hãy chọn cho mình phương pháp và tài liệu phù hợp nhất, sau đó dành nhiều thời và tâm trí của bạn nhất có thể cho tiếng Anh.
Nhưng đừng vì quá vội vàng mà quên đi rằng điều quan trọng nhất ở đây chính là bạn về được đích, không phải là học nhanh hay học chậm. Trong cuộc đua với chính mình này, người về được đích là người chiến thắng.
Nếu bạn tự học, hoàn toàn có thể, vì đa số những người giỏi tiếng Anh ngoài kia, đều nhờ tự học mà nên. Tự học không có nghĩa là bạn tự một mình học, thử và sai hết mọi thứ. Tự học nghĩa là bạn biết vấn đề của mình ở đâu, và tìm câu trả lời ở đâu hoặc hỏi ai để có câu trả lời cho vấn đề đó.
Nếu bạn giống mình ngày xưa – tự học một mình, lúc đó mình có rất nhiều thắc mắc và khó khăn trong việc học tiếng Anh nhưng không biết phải hỏi ai, cách duy nhất mà mình có thể là tìm trên google và youtube. Có quá nhiều câu trả lời cho những câu hỏi của mình, nhưng gần như tất cả các câu trả lời đó đều chỉ là phần bề nổi của vấn đề, chẳng có ai chia sẻ sâu để giúp mình giải quyết được vấn đề của mình cả. Vậy là mình phải tự mình thử và sai. Tuy nó tốn rất nhiều thời gian, nhưng những giá trị nó mang lại thì rất nhiều. Nếu không nhờ quá trình tự tìm tòi, thử và sai này thì chắc giờ này, mình không thể ngồi đây để chia sẻ với bạn những điều như trong cuốn sách này, cũng không thể mạnh dạn nói rằng mình rất hiểu những khó khăn của bạn sẽ gặp phải trong quá trình học, và cách giải quyết nó như thế nào được. Cũng nhờ việc tự học, mà mình học được rất nhiều bài học quý giá trong cuộc sống mà tới bây giờ mình vẫn còn áp dụng cho cuộc sống của mình.
Trong suốt quá trình học, bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Không hẳn khó khăn là từ phương pháp hay tài liệu và thầy cô, mà những khó khăn lớn nhất đến từ cuộc sống hàng ngày của bạn, từ công việc, từ học tập, từ gia đình và những mối quan hệ quanh bạn. Đây là cuộc sống của bạn, nó có quá nhiều cám dỗ, kéo bạn vào đó và rồi bạn quên đi mất rằng bạn đang học để đạt được mục tiêu tiếng Anh của mình.
Vậy nên mình có một gợi ý cho bạn, giúp cho bạn có thể dễ dàng vượt qua được những cám dỗ đó hơn. Đó chính là hãy đặt cho mình một mục đích đủ lớn khi học tiếng Anh. Điều này cũng có thể áp dụng được với những mục đích khác trong cuộc sống của bạn.
Khi mình nói “đủ lớn” ở đây nó mang tính chất cá nhân hóa, tức là nó chỉ đúng với bạn thôi nhé. Với một số người thì mục đích đủ lớn thì phải là đạt được 9.0 điểm IELTS, một số bạn khác thì phải ra được nước ngoài sinh sống và làm việc, hoặc dạy tiếng Anh cho những đứa con thân yêu, hoặc có được công việc mơ ước nhờ tiếng Anh, v.v.v…. Bạn hãy tự chọn cho riêng mình một mục đích đủ lớn nhé.
Vậy “mục đích đủ lớn” nghĩa là gì? Nó có nghĩa là mục đích đó phải lớn hơn tất cả những khó khăn mà bạn gặp phải trong quá trình học. Chưa biết là bạn sẽ gặp phải những khó khăn và vấn đề gì sắp tới, nhưng bạn phải xác định trước tâm lý và mục đích như vậy. Rằng khi bạn gặp phải những khó khăn, cám dỗ, bạn vẫn sẽ nhìn thấy được mục đích của mình, bạn vẫn có thể nhớ được mục đích của mình để rồi học và luyện tập thường xuyên.
⇒ Bài học: Bạn hãy xác định cho mình một mục đích đủ lớn để có thể nhìn thấy và nhắc nhở mình quay lại với việc học khi gặp khó khăn.
Điều cuối cùng trong phần mục đích này mình muốn chia sẻ với các bạn đang học tiếng Anh, đó chính là đừng so sánh mình với người khác, nếu điều đó làm bạn nản chí và lùi bước. Chúng ta không biết con đường họ đi như thế nào, chúng ta không biết mục đích của họ lớn đến đâu, và chúng ta cũng không biết họ dành được bao nhiêu thời gian và tâm trí cho tiếng Anh. Nếu người khác có định hướng tốt, dành 15 tiếng mỗi ngày chỉ để cày tiếng Anh, và ngày nào cũng học, thì nhất định sẽ học nhanh hơn một người chỉ dành được 15 phút mỗi ngày để học, mỗi tuần chỉ học được 3 lần.
Thay vào đó, hãy tự vui với chiến thắng của bản thân mình khi tiến bộ lên so với ngày hôm qua bạn nhé.
⇒ Bài học: Đừng so sánh mình với người khác nếu điều đó làm bạn nản chí, thay vào đó hãy so sánh mình với ngày hôm qua đã tiến bộ hơn như thế nào.